Vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng được đề xuất xem xét cấp phép như thế nào?

 Bộ Giao thông vận tải có ý kiến phản hồi phản ánh của dư luận về việc quy định của Bộ đang “gây khó” cho việc vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng không thể tách rời, đồng thời, việc cấp giấy phép và quy trình thẩm định cấp phép đối với các mặt hàng này cũng khiến các doanh nghiệp và cơ quan quản lý gặp khó khăn.

Do vậy, có ý kiến đề xuất Bộ Giao thông vận tải cần xem xét để đơn giản, minh bạch quá trình cấp phép và công bố công thức tính tải trọng tối đa cho phép đối với các loại hàng siêu trọng và không thể tách rời.

xe-sieu-truong

Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải có ý kiến phản hồi như sau:

Hiện nay, việc cấp phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn và vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng trên đường bộ được thực hiện theo quy định tại Điều 28 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải tại Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT ngày 11/2/2010 quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hoá trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ; Thông tư số 03/2011/TT-BGTVT ngày 22/2/2011; Thông tư số 65/2013/TT-BGTVT ngày 31/12/2013 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT.

Tại các quy định, hướng dẫn nêu trên, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lưu hành công bố công khai thủ tục hành chính trên website và tại trụ sở làm việc của cơ quan để các tổ chức, cá nhân biết và thực hiện. Như vậy, về thủ tục hành chính, đã phần nào đáp ứng yêu cầu minh bạch và đơn giản quá trình cấp giấy phép.

Ngày 9/6/2014, Bộ Giao thông vận tải cũng đã có Công văn số 6678/BGTVT-VT hướng dẫn, thực hiện cấp Giấy phép lưu hành cho xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng hoạt động trên mạng lưới đường bộ.

Tiếp đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và ngày 15/7/2014, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục làm việc với EVNNPT để giải quyết triệt để các vướng mắc và khó khăn của chủ hàng và đơn vị vận tải hàng  hóa siêu trường, siêu trọng.

Tuy nhiên, hệ thống đường bộ Việt Nam được xây dựng ở nhiều thời kỳ với tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau; mặt khác, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nguồn vốn cho xây dựng và quản lý bảo trì rất thiếu nên hạ tầng còn nhiều bất cập, nhiều tuyến có tiêu chuẩn kỹ thuật còn thấp, khả năng chịu tải trọng và khổ giới hạn không đồng bộ, thậm chí nhiều cầu chưa đồng bộ với đường.

Đồng thời, thời gian qua, tình trạng phương tiện chở hàng hóa quá tải trọng cho phép diễn ra khá phổ biến, làm hư hỏng, xuống cấp công trình cầu, đường, gây mất an toàn giao thông.

Vì vậy, việc siết chặt quản lý tải trọng xe là cần thiết và đã được dư luận đánh giá cao, bước đầu đã hạn chế được tình trạng xe quá tải, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh vận tải đường bộ, đồng thời, cũng cần phải tháo gỡ trong việc cấp lưu hành xe chở hàng siêu trường, siêu trọng (không thể tháo rời) đảm bảo nhanh chóng thuận tiện.

Đối với đề xuất về đơn giản, minh bạch quá trình cấp phép, Bộ Giao thông vận tải xin tiếp thu. Hiện nay, để tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép, trước mắt Bộ đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát lại hệ thống cầu, đường để cắm biển tải trọng cầu và công bố công khai tải trọng, khổ giới hạn của hệ thống quốc lộ để mọi người truy cập. Trong thời gian sớm nhất, trên cơ sở dữ liệu cần đường thu thập được, sẽ giao các Trung tâm kỹ thuật đường bộ cùng các chuyên gia tính toán tải trọng cầu, đường để lập bảng tính sẵn áp dụng đối với các phương tiện đặc chủng thông dụng hiện có để công tác cấp phép được thuận lợi.

Về đề xuất công bố công thức tính tải trọng tối đa cho phép đối với các loại hàng siêu trọng và không thể tách rời được, hiện nay, một số nước sử dụng công thức tính tải trọng cho phép căn cứ vào khoảng cách trục, cỡ lốp, chiều dài đoàn xe và số lượng lốp trên trục; đây là những nhân tố chính ảnh hưởng đến an toàn cầu đường. Dựa trên công thức này, các doanh nghiệp vận tải có thể tự tính số lượng trục rơ moóc đặc chủng phù hợp với tải trọng cho phép, đồng thời cơ quan cấp phép thuận tiện đối chiếu khi xem xét hồ sơ xin cấp phép.

Bộ Giao thông vận tải ghi nhận đây là việc làm cần thiết, tuy nhiên rất phức tạp, do phải xem xét đến nhiều yếu tố và đặc biệt là chủng loại, cấu tạo của các phương tiện đặc chủng luôn thay đổi, khá đa dạng (Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT và Thông tư số 03/2011/TT-BGTVT mới chỉ quy định với tổng số trục lớn nhất bằng 6). Bộ Giao thông vận tải sẽ nghiên cứu và đưa vào chương trình “Đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ cấp Bộ” và giao cơ quan, đơn vị chuyên môn thực hiện.

Chinhphu.vn