Vận tải đường sắt cần sự đầu tư hơn

Thời gian qua, giá xăng, dầu liên tục biến động, hàng loạt phương tiện vận tải công cộng tăng giá vé, giá cước hàng hóa nhưng vẫn phải than trời vì lỗ, thậm chí còn “dọa” sẽ ngừng chạy vì không kham nổi chi phí, thì ít ai biết rằng ngành vận tải đường sắt không những vẫn giữ nguyên giá vé của một số mác tàu, loại chỗ mà còn thực hiện giảm giá vé đi tàu cho trên 500.000 lượt HK là đối tượng chính sách xã hội mỗi năm.

Nghịch lý: Lỗ vẫn chạy tàu

Đó là những đoàn tàu chạy trên các tuyến đường, khu đoạn khó khăn mà doanh thu không đủ bù đắp chi phí nhưng ĐSVN vẫn duy trì nhằm phục vụ nhân dân, học sinh, bộ đội… đi lại trong khu vực cũng như duy trì bảo vệ kết cấu hạ tầng ĐS quốc gia, thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng.

Mặc dù ĐSVN, các công ty vận tải HK, HH đã áp dụng nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả kinh doanh nhưng doanh thu những đoàn tàu này vẫn thấp hơn chi phí rất nhiều. Danh hiệu đôi tàu có mức doanh thu bình quân thấp “kỷ lục” hiện nay đang thuộc về đôi tàu R157/R158: chạy từ Ga Yên Viên đến Ga Hạ Long (165 km), doanh thu bình quân dưới 4 triệu đồng/vòng quay, bằng khoảng 5% chi phí. Tiếp đến là đôi tàu khách QT91/QT92 chạy khu đoạn từ trạm Long Biên đến Ga Quán Triều với cự ly 75 km có mức doanh thu bình quân chỉ đạt xấp xỉ 5 triệu đồng/vòng quay, bằng 15% – 17% chi phí. Đôi tàu khách ĐĐ3/ĐĐ4 vận chuyển HK, HL từ Ga Gia Lâm đến Ga Đồng Đăng với cự ly 157 km, doanh thu bình quân khoảng 17 triệu đồng/vòng quay cũng chỉ bằng khoảng 24% – 29% chi phí.

DtauXahoi

Vận chuyển hàng hóa lên tàu R157 (Yên Viên – Hạ Long) tại Ga Lan Mẫu.

Ngoài ra còn có hai đôi tàu khách VĐ31/VĐ32 và ĐH 41/ĐH42 chạy trên tuyến ĐS Bắc – Nam với cự ly vận chuyển của đôi tàu VĐ31/VĐ32 (Vinh – Đồng Hới) khoảng 203 km và đôi tàu ĐH41/ĐH42 (Đồng Hới – Huế) khoảng 167 km. Hai đôi tàu này chủ yếu phục vụ vận chuyển HK, HL trên khu đoạn tàu Thống Nhất không đỗ. Doanh thu tàu VĐ31/VĐ32 bình quân xấp xỉ 13 triệu đồng/vòng quay, bằng khoảng 17% so chi phí. Doanh thu tàu ĐH41/ĐH42 xấp xỉ 14 triệu đồng/vòng quay, bằng khoảng 28% chi phí.
Trong số các đoàn tàu “lỗ vẫn phải chạy” của ĐSVN có 1 đoàn tàu chuyên vận chuyển hàng hóa. Đó là đoàn tàu vận chuyển than từ Ga Mạo Khê đến Ga Cổ Thành (dỡ tại Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại – Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam) với cự ly vận chuyển 36 km. Đây là đoàn tàu duy nhất chạy trên khu đoạn ĐS Chí Linh – Cổ Thành (16 km) vừa làm nhiệm vụ vận chuyển than cho Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ duy trì kết cấu hạ tầng ĐS quốc gia.
Thống kê cho thấy, năm 2011, tổng doanh thu 5 đôi tàu khách và 1 tàu hàng trên chỉ đạt xấp xỉ 82 tỷ đồng nhưng tổng chi phí giá thành lại lên tới trên 310 tỷ đồng (chênh lệch thu – chi trên 228 tỷ đồng). Năm 2012, doanh thu các đôi tàu này đạt xấp xỉ 89 tỷ đồng nhưng chi phí giá thành thì tới trên 369 tỷ đồng (chênh lệch thu – chi trên 281 tỷ đồng). Sau khi cân đối theo tỷ trọng thu/chi từng mác tàu theo tuyến đường, trong 2 năm (2011, 2012) ĐSVN đã phải bù đắp khoản kinh phí thiếu hụt do doanh thu thấp hơn chi phí khoảng 186 tỷ đồng (năm 2011 bù 83,5 tỷ đồng; năm 2012 bù 102,5 tỷ đồng).
Tàu “xã hội”
Vậy vì sao ngành đường sắt, vốn là một ngành kinh doanh vận tải đang phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt trong cơ chế thị trường, lại vẫn vận hành những đoàn tàu lỗ tới hàng trăm tỷ đồng như vậy để rồi phải chấp nhận bù lỗ?
Câu trả lời thực ra rất đơn giản: Đây có thể coi là những đoàn tàu “xã hội” với mục đích chủ yếu là phục vụ nhu cầu dân sinh; đồng thời thực hiện nhiệm vụ duy trì bảo vệ kết cấu hạ tầng ĐS quốc gia và tham gia nhiệm vụ an ninh quốc phòng.
Những đoàn tàu còn là cầu nối, tham gia vận chuyển, cung ứng một khối lượng không nhỏ lương thực, thực phẩm, nông sản, vật tư, thiết bị… cho các đơn vị ĐS, nhân dân các khu ga ĐS tại những khu vực vận tải đường bộ khó khăn hoặc không thể tiếp cận do cơ sở hạ tầng đường bộ còn kém. Được biết, có đôi tàu như R157/R158 được nhân dân coi như đoàn tàu cung ứng nông sản, gia cầm, gia súc cho cả một khu đoạn trải dài từ Lan Mẫu đến Hạ Long (gần 100 km)…
Khảo sát trên những đoàn tàu khách QT91/QT92 (Long Biên – Quán Triều), ĐĐ3/ĐĐ4 (Gia Lâm – Đồng Đăng), VĐ31/VĐ32(Vinh – Đồng Hới)… phóng viên nhận thấy: đối tượng đi lại trên những đoàn tàu khách trên chủ yếu là học sinh, sinh viên, bộ đội, những người buôn bán nhỏ… Đa số HK chọn đi các đôi tàu này do tính an toàn cao, đoàn tàu có hành trình hợp lý, tàu chạy ban ngày, có dừng đỗ đón trả HK, HL tại tất cả các ga trên tuyến. Trong những dịp lễ, Tết… những đôi tàu này vẫn chạy nên rất thuận lợi cho nhân dân địa phương đi lễ hội, chúc Tết. An ninh trật tự trên tàu đảm bảo… Giá vé HK, cước HL của những đoàn tàu QT91/QT92, VĐ31/VĐ32… rất linh hoạt và luôn rẻ hơn so với vé ô tô. Cụ thể: giá vé HK tàu QT91/92 khi HK đi hết chặng (Long Biên – Quán Triều hoặc ngược lại) chỉ 36.000 đồng/HK nhưng giá vé ô tô Hà Nội – Thái Nguyên thì tới 65.000 đồng – 75.000 đồng (tùy hãng). Trên các tuyến khác (Gia Lâm – Đồng Đăng, Vinh – Đồng Hới…) giá vé tàu hỏa hiện vẫn thấp hơn so với ô tô.

 

Cần trợ giá để phục vụ dân sinh

Vận tải hành khách công cộng nói chung và vận tải đường sắt nói riêng có ý nghĩa xã hội vô cùng to lớn, là loại dịch vụ thỏa mãn nhu cầu thiết yếu của người dân – nhu cầu đi lại, là cơ sở đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân, đảm bảo trật tự xã hội nói chung và tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế, hoạt động sản xuất, nhằm phát triển nền kinh tế – xã hội và khi cần thiết còn thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng.
Về phần mình, để từng bước giảm dần kinh phí bù đắp cho các đôi tàu khó khăn, ĐSVN hiện đang tích cực triển khai các biện pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh, cụ thể: Trên cơ sở nhu cầu đi lại của HK, ĐSVN xem xét phương án tổ chức chạy tàu hợp lý, nâng cao chất lượng phục vụ, gia tăng tiện ích, dịch vụ trên tàu; nghiên cứu điều chỉnh giá vé, giá cước để tăng doanh thu nhưng vẫn đảm bảo ổn định và thu hút thêm HK đi tàu. Tiếp tục tăng khối lượng vận chuyển than điện của đôi tàu hàng chuyên chở than Mạo Khê – Cổ Thành. Thương thảo với Tập đoàn Điện lực VN, Tập đoàn Than VN để tăng khối lượng vận chuyển và tăng giá cước để dần bù đắp chi phí. Đề nghị Bộ GTVT bổ sung kinh phí, nguồn vốn nâng cấp tuyến ĐS Thống Nhất, tạo điều kiện cho ĐSVN tăng cường số đôi tàu trên tuyến và nâng cao chất lượng phục vụ nhằm tăng sản lượng, doanh thu…, từ đó có thêm kinh phí bù lỗ cho các đôi tàu “xã hội”.
Bên cạnh những nỗ lực, cố gắng của ĐSVN, thiết nghĩ rất cần sự hỗ trợ tháo gỡ khó khăn từ các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành và Chính phủ để có thể duy trì những đoàn tàu “xã hội”.

Lê Quang

Tags: