Người Nhật dùng những thủ thuật tâm lý tinh tế nào để vận hành đường sắt hoàn hảo, trơn tru nhất thế giới?

Tokyo là nơi có các nhà ga tàu hỏa bận rộn nhất thế giới. Các nhà khai thác đường sắt ở thủ đô Nhật Bản xử lý tổng cộng 13 tỷ lượt hành khách hàng năm. Số lượng hành khách khổng lồ đó đòi hỏi sự kết hợp khéo léo giữa kỹ thuật, lập kế hoạch và tâm lý học.

Một số tính năng được thiết kế một cách khéo léo để thay đổi hành vi của hành khách như ánh sáng, âm thanh và các phương thức khác. Sức sáng tạo vô biên của Nhật Bản trong lĩnh vực này phản ánh sự quan tâm sâu sắc của quốc gia này đối với giao thông công cộng trong nước.

Các ga tàu, dù ở Nhật hay ở nơi khác, đều là những địa điểm tuyệt vời để chứng kiến Thuyết cú huých (nudge theory) trong thực tiễn. Richard Thaler và giáo sư trường Luật Harvard Cass Sunstein là cha đẻ của thuyết đạt giải Nobel Kinh tế 2017 này. Theo những nhà kinh tế học này, những cú huých tâm lý nhẹ nhàng có thể hướng con người đến các quyết định tốt nhất cho bản thân họ (hoặc xã hội).

Tuy không phải là quốc gia duy nhất sử dụng các mẹo tâm lý để tác động đến hành vi của hành khách, điểm khiến các nhà ga ở Nhật Bản khác với ở các đất nước khác là sự khéo léo phía sau các “cú huých” và sự tinh tế trong cách thức áp dụng chúng.

Cải thiện tâm trạng

Nhật Bản là một trong những nước có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các quốc gia OECD. Và họ thường làm việc này bằng cách nhảy từ sân ga xuống đường ray khi tàu hỏa đang đi tới, trung bình Nhật Bản có một vụ như vậy mỗi ngày. Những vụ việc như vậy có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống vận chuyển.

Để giải quyết vấn đề này, các nhà ga trên khắp Tokyo và các thành phố khác của Nhật Bản đã lắp đặt các rào cản cao ngang ngực để ngăn chặn các nỗ lực tự tử. Nhưng chúng rất tốn kém, và khoảng 70% sân ga tại các nhà ga lớn nhất và đông khách nhất Nhật Bản không đủ không gian để chứa chúng. Dù có hi vọng rằng các rào cản sẽ được lắp đặt tại sân ga của tất cả 243 nhà ga ở Tokyo vào năm 2032 với chi phí 4,7 tỷ USD, nhưng ở thời điểm hiện tại, các công ty đường sắt đã đưa ra các biện pháp thay thế.

Đứng ở đầu nào của một sân ga ở ga Shinjuku rộng lớn, ai cũng có thể bắt gặp một pa-nô đèn LED phát ra ánh sáng xanh thẳm dễ chịu. Nép mình giữa các máy bán hàng tự động và áp phích hướng dẫn an toàn, pa-nô này được thiết kế để cứu người.

Hoạt động dựa trên lý thuyết tiếp xúc với ánh sáng xanh có tác dụng làm con người trở nên bình tĩnh, các nhà ga ở Nhật Bản đã lắp đặt các tấm pa-nô này như một biện pháp phòng chống tự sát vào năm 2009. Chúng nằm ở vị trí chiến lược ở mỗi đầu của sân ga – thường là khu vực ít người qua lại nhất, và thường là nơi các vụ tự tử xảy ra. Một số nhà ga như Shin-Koiwa ở Tokyo tăng cường hệ thống đèn LED của họ với các tấm mái màu, cho phép ánh sáng mặt trời màu xanh nước biển chiếu xuống sân ga.

Biện pháp này đã được chứng minh là có hiệu quả đáng ngạc nhiên. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo vào năm 2013, các dữ liệu trong khoảng thời gian 10 năm cho thấy sự suy giảm 84% số nỗ lực tự tử tại các nhà ga lắp đặt đèn xanh nước biển. Một nghiên cứu sau đó cho thấy không có sự gia tăng về nỗ lực tự tử tại các nhà ga lân cận dù không có ánh sáng xanh được lắp đặt tại đây.

Khởi hành yên bình hơn

Ngoài ánh sáng, các nhà ga ở Nhật Bản cũng sử dụng âm thanh để tác động lên hành khách. Đi lại trong giờ cao điểm tại quốc gia Mặt trời mọc không dành cho những người yếu tim. Các chuyến tàu kẹt cứng với sức chứa lên tới 200% trong giờ cao điểm. Thời gian chuyển đổi từ chuyến tàu này sáng chuyến tàu khác là rất nhỏ cho sự nhầm lẫn. Kết hợp với tính chất căng thẳng của hành trình đi làm, đi học trong quá khứ là âm thanh chói tai tời từ còi báo hiệu tàu hỏa chuẩn bị vào/rời ga và tiếng thổi còi của những người điều hành nhà ga.

Để làm dịu môi trường âm thanh căng thẳng này, vào năm 1989 công ty đường sắt JR East đã ủy nhiệm cho Yamaha và nhà soạn nhạc Hiroaki Ide tạo ra tiếng leng keng ngắn, dễ chịu thay thế cho tiếng còi báo hiệu khởi hành truyền thống.

Còn được gọi là giai điệu khởi hành, giai điệu hassha ngắn, dễ chịu và khác biệt có mục đích thông báo cho hành khách về chuyến tàu sắp khởi hành mà không gây ra sự lo lắng. Hầu hết các hassha có độ dài tối ưu 7 giây, do nghiên cứu cho thấy các giai điệu ngắn có tác dụng giảm căng thẳng tốt nhất cho hành khách và đảm bảo thời gian cần thiết để tàu hỏa đến/rời đi. Hầu hết các nhà ga đều có giai điệu riêng trở thành bài hát chủ đề, một phần trong bản sắc của các nhà ga.

Khi ngày càng nhiều nhà ga thêm giai điệu trong những năm qua, giả thuyết ban đầu đã được xác thực. Một nghiên cứu vào tháng 10/2008 tại ga Tokyo cho thấy số lượng thương tích của hành khách do xô đẩy sau khi phát giai điệu hassha đã giảm 25% tại một số sân ga nhất định.

Phương pháp “kiểm tra và nói to”

Những người lái tàu, thu vé và điều hành sân ga bắt buộc phải sử dụng phương pháp “kiểm tra và gọi” (shisa kanko) trong khi thực hiện nhiệm vụ. Bằng cách chỉ vào một vật thể, sau đó nói bằng lời hành động dự định, nhiều phần của não bộ ghi nhớ hành động hơn, cải thiện nhận thức tình huống và độ chính xác.

Các nghiên cứu đã nhiều lần chỉ ra rằng phương pháp này làm giảm sai sót của con người lên tới 85%. Nó cũng được áp dụng trong nhiều ngành công nghiệp trên khắp Nhật Bản nhằm mục đích an toàn lao động.

K Nguyễn

Theo Thời Đại

Tags: