Lý do không nên cấm xe ba gác – xe tự chế là gì?

Xe ba gác hay còn gọi là xe thô sơ bao gồm có xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo, xe xích lô và các loại xe tương tự. Với đặc thù xe thô sơ là đơn giản, khả năng gây thiệt hại không lớn, kích cỡ nhỏ dễ len lỏi vào các ngõ ngách, vận chuyển được những chuyến hàng vừa phải với giá vận chuyển thấp hơn nhiều so với thuê ô tô nên được người dân sử dụng khá phổ biến để vận chuyển hàng hóa.

boc-xep-hang-02

Do đó, đã từ lâu, những người dân sinh sống trong ngõ phố nhỏ đã chọn xe ba gác, xe thô sơ để làm phương tiện vận chuyển hàng hóa duy nhất mỗi khi có nhu cầu. Nhưng từ sau vụ bé trai 10 tuổi tử vong khi va chạm với xe xích lô chở tôn vào chiều 23-9 tại phố Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội, sáng ngày 25 tháng 9, Phòng CSGT – CATP Hà Nội đã tổ chức thực hiện công tác tăng cường xử lý triệt để xe tự chế, xe thô sơ ba bánh chở hàng hóa cồng kềnh tham gia giao thông trên các tuyến phố gây mất an toàn, trật tự giao thông. Nhiều người dân Hà Nội đang mong chờ một biện pháp cấm các loại xe chở hàng này một cách triệt để. Họ nhận định để dòng xe này lưu thông trên đường rất gây mất an toàn do hàng hóa cồng kềnh dễ rơi, đổ, va chạm người tham gia GT xung quanh, đặc biệt là những hàng hóa như tôn, sắt, thép nếu không được bao bọc kĩ càng sẽ rất nguy hiểm cho người qua lại,chưa kể còn chắn tầm nhìn người lưu thông trên đường, dễ xảy ra tai nạn, tiếng ồn lớn gây khó chịu và các bộ phận xe do tự chế nên không đảm bảo an toàn, gây nguy hiểm cho chính người lái xe…

Tuy nhiên,bên cạnh đó cũng không ít người băn khoăn, lo lắng nếu “lệnh cấm” xảy ra, liệu Hà Nội với những ngõ nhỏ, phố nhỏ này sẽ lấy phương tiện nào để thay thế? Như anh Nguyễn Văn Lượng ở ngách 28/184 phố Hoa Bằng, quận Cầu Giấy cho biết: “Tôi đang có dự định xây lại nhà. Nếu các loại xe thồ nhỏ, ba gác không vào tận nơi chở vật liệu mà nhà cũ đập đi cũng như đếnchở vật liệu xây nhà mới thì phải làm sao? Ngách này rất nhỏ ô tô không thể lùi vào đến nơi được. Tôi đồng ý với việc cấm xe 3, 4 bánh tự chế lưu thông trong thành phố để tránh ùn tắc và nguy hiểm cho người đi đường. Nhưng những gia đình sống trong ngõ hẹp ngoằn ngoèo như chúng tôi sẽ vận chuyển hàng hóa như thế nào khi xe ba gác bị cấm lưu hành? Khổ nhất là những người dân sống ở cuối hẻm. Hay đơn giản như chỉ cần mua cái giường, cái tủ lạnh chẳng lẽ cũng phải thuê cả một chuyến xe tải?” . Theo như ý kiến của một số người dân sống ở ngõ 219 Định Công, quận Hoàng Mai thì không nên cấm triệt để xe ba gác vì nó còn hữu dụng, tiện lợi vì chỉ có chúng mới len lỏi được vào các hang cùng ngõ hẻm để phục vụ vận chuyển được cho họ, nhất là những hộ dân sống trong ngõ, ngách mà độ rộng của ngõ, ngách chỉ vừa đủ cho hai chiếc xe máy lách nhau. Những cửa hàng bán lẻ đồ gia dụng, đồ thể thao hay sắt thép cho rằng nếu thuê xe tải vận chuyển hàng thì chi phí khá lớn nên việc kinh doanh sẽ gặp khó khăn, hàng bán lẻ nên số lượng ít hoặc quãng đường ngắn nếu thuê cả chiếc xe tải to sẽ rất lãng phí, khách hàng cũng sẽ bị thiệt vì phí vận chuyển hàng. Nếu cấm hẳn xe ba gác thì họ chưa biết chuyển hàng bằng cách nào. Nên họ vẫn cần sự hữu dụng, tiện lợi của xe ba gác..

Nhiều trường hợp xe máy chở hàng quá khổ, quá tải và các xe kéo tự chế đều bị CSGT lập biên bản và xử lí theo quy định của pháp luật. Trong thời điểm kiểm tra, có nhiều trường hợp chở hàng cồng kềnh khi phát hiện ra CSGT kiểm tra liền quay đầu xe bỏ chạy, bất chấp nguy hiểm. Từ nay đến cuối năm, lực lượng CSGT Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường xử lý vi phạm liên quan đến loại phương tiện này.Sở GTVT Hà Nội cho biết từ năm 2013, Thủ đô đã cấm các loại phương tiện như xe 3 bánh, xe thô sơ, xe tự chế chở vật liệu xây dựng, hàng hóa cồng kềnh. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn không được theo dõi và thực hiện triệt để, đặc biệt là những khu bán buôn bán lẻ vật liệu xây dựng, đồ dân dụng. Hơn nữa, việc đình chỉ lưu hành xe tự chế có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con, đặc biệt là dân nghèo khi những chuyến xe là miếng cơm manh áo của họ?

Vậy các cơ quan chức năng sẽ có hướng giải quyết tiếp theo như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho người dân?. Bàn về vấn đề này, vừa mới đây, Công an Q.Hai Bà Trưng cho biết họ đã vận động các chủ cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, những cửa hàng bán đồ cồng kềnh làm cam kết sử dụng xe vận chuyển hàng hóa an toàn. So sánh giữa các quy định hiện tại với tình hình thực tế thì chỉ có cách thuê xe tải để vận chuyển hàng cồng kềnh, tôn, sắt, … vào những khung giờ được phép hoạt động. Về lâu dài, khi có quy định cụ thể về trách nhiệm của các chủ cơ sở kinh doanh, nếu họ không chấp hành mà để xảy ra tai nạn, sự cố nào thì họ phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định.

Câu hỏi đặt ra: “ Vậy phương tiện nào sẽ thay thế, vừa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển ở các ngõ nhỏ, lại an toàn khi tham gia giao thông? ”. Thiết nghĩ đối với những thương binh khả năng lao động giảm sút hoặc những gia đình điều kiện kinh tế còn khó khăn thì Chính phủ nên xem xét tăng cường chính sách hỗ trợ thay thế xe ba gác bằng xe tải nhẹ, xe nông dụng ( theo Quyết định số 1491/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ) để họ mưu sinh và để những người dân ngõ phố nhỏ bớt lo lắng. Nhưng theo đó cần có sự cam kết của họ đảm bảo khối lượng hàng vận chuyển vừa phải, hàng hóa dễ gây thương tổn phải có biện pháp bảo vệ, bao bọc kĩ càng. Thêm nữa cần đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho người dân, tăng cường công tác kiểm soát, tuần tra, rà soát việc thi hành cam kết của họ, xử phạt nghiêm với những trường hợp cố tình vi phạm… để người dân bớt đi gánh nặng của họ.!

 

Tags: