Đề nghị chi 7.000 tỉ nâng cấp đường sắt Bắc-Nam

(TBKTSG Online) – Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trình Chính phủ xin cấp 7.000 tỉ đồng để cải tạo hạ tầng tuyến đường sắt Bắc-Nam nhằm nâng tốc độ chạy tàu.
Đề cập đến sự cần thiết chi 7.000 tỉ đồng để nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng tuyến đường sắt Bắc-Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, tuyến đường sắt này được xây dựng đã lâu với tiêu chuẩn kỹ thuật và tốc độ thấp nên việc khai thác rất hạn chế.
Hiện tại, nhiều đoạn đường sắt chạy qua đèo núi đường ray đã xuống cấp. Bên cạnh đó, toàn tuyến có 1.452 cầu, trong đó có đến 697 cầu đã xuống cấp chưa được đầu tư.
Các ga cũng phân bố không đồng đều, hiện còn 23 ga chỉ có hai đường ray để tránh tàu. Chiều dài đoạn ở nhà ga để tránh tàu phần lớn là 350-400 mét. Ngoài ra, còn tới 1.047 đường ngang, gần 3.000 đường ngang dân sinh cũng cần đầu tư nâng cấp để đảm bảo an toàn chạy tàu.
Hạ tầng không đồng bộ đã làm giảm tốc độ tuyến đường sắt Bắc-Nam, tàu khách là 50 km/giờ và tàu hàng 35 km/giờ. Hơn nữa, vào những dịp hè, lễ, tết, khách đông, đoàn tàu có thể kéo được 20 toa xe để chở được nhiều khách nhưng do đường ga tránh tàu ở các ga ngắn nên hiện chỉ kéo được 14 toa. Vì thế, rất lãng phí năng lực chuyên chở.
Vì vậy, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất thực hiện 4 dự án gồm: cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội – Vinh với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.600 tỉ đồng; cải tạo, nâng cấp hạ tầng đường sắt đoạn Nha Trang – Sài Gòn, tổng mức đầu tư dự kiến 1.800 tỉ đồng; cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô, tổng mức đầu tư dự kiến 1.800 tỉ đồng; gia cố hầm yếu kết hợp mở mới 3 nhà ga, tổng mức đầu tư dự kiến 1.800 tỉ đồng.
Về nguồn vốn đầu tư, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị Bộ GTVT trình Chính phủ xin cấp 7.000 tỉ đồng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 để thực hiện 4 dự án trên tuyến đường sắt Bắc-Nam.
Theo Tổng công ty Đường sắt, nếu được nâng cấp nhiều đoạn đường có thể thông được 21 đôi tàu/ngày đêm (hiện nay do hạn chế hạ tầng nên chỉ được 17 đôi tàu).
Đối với tàu hàng, nếu nâng cấp được hạ tầng, đồng nhất được tải trọng cầu trên toàn tuyến thì các chuyến tàu hàng Giáp Bát – Sóng Thần sẽ xếp thêm được 7 tấn/toa tàu, tận dụng được hết tải trọng cho phép của toa tàu. Khi đó, có thể nâng doanh thu vận tải hàng hóa trên toàn tuyến thêm 1 tỉ đồng/ngày, đồng thời sẽ hạ được giá thành vận chuyển.
Hiện nay, vận chuyển bằng đường sắt đang thất thế so với các phương tiện khác vì thời gian di chuyển chậm, giá vé và giá cước hàng hóa còn cao. Chính vì vậy, mục tiêu của ngành đường sắt trong những năm tới là đầu tư hạ tầng để tăng tốc độ chạy tàu, giảm giá thành vận chuyển.
Tags: