Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trị giá hơn 58 tỷ USD

Tổng vốn đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là 58 tỷ USD, trong đó đoạn Hà Nội – Vinh và TP HCM – Nha Trang sẽ được làm trước.

Sáng 28/8, Liên danh tư vấn TEDI-TRICC-TEDIS đã báo cáo nghiên cứu khả thi giữa kỳ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Theo đó, tư vấn đề xuất xây dựng tuyến đường sắt mới dài hơn 1.545 km, phân kỳ đầu tư các đoạn Hà Nội – Vinh dài 285 km; Vinh – Nha Trang 896 km; Nha Trang – TP HCM dài 364 km.

Tổng vốn đầu tư toàn dự án dự kiến là 58,710 tỷ USD, trong đó hai đoạn Hà Nội – Vinh và Nha Trang – TP HCM được đầu tư trước, phân kỳ trong 10 năm (2020-2030) với tổng vốn hơn 24 tỷ USD.

Cũng theo vị tư vấn, các quãng đường dài thì thị phần giảm nếu tàu vận tốc thấp. Ví dụ, với vận tốc 200 km/h, thị phần hành khách đoạn Hà Nội – Nha Trang chỉ đạt 2,7%, còn khi đạt tốc độ 350 km/h thì có thể đạt thị phần 14%. Do đó, tư vấn cho rằng nếu khai thác tốc độ 350 km/h, đường sắt sẽ cạnh tranh được với việc lựa chọn đi bằng máy bay.

Đề nghị đầu tư tốc độ cao để bảo đảm sức hấp dẫn của dự án, tuy nhiên đại diện tư vấn cho rằng, ở giai đoạn đầu sẽ khai thác vận tốc 160-200 km/h; sau khi thông toàn tuyến mới nâng lên tốc độ 350 km/h.

 

Các ga dự kiến trên tuyến đường sắt tốc độ cao.

“Siêu dự án” chưa được phân tích rủi ro

Tuyến đường sắt tốc độ cao được xây dựng mới, khổ đường 1.435 mm, đường đôi, có 23 ga, 5 khu depot bảo dưỡng, sửa chữa tàu; trong đó 60% đi trên cầu đường bộ, 10% qua hầm, 30% đi trên mặt đất được rào chắn không giao cắt.

Đoạn đi trên mặt đất nằm gần với tuyến đường bộ cao tốc. Hiện Bộ Giao thông đã cùng với Tư vấn làm việc với tất cả 20 tỉnh, thành phố về hướng tuyến.

Liên danh tư vấn cũng đề xuất xu hướng lựa chọn công nghê theo nguyên tắc đồng bộ, tiên tiến, thuận lợi chuyển giao. Đoàn tàu áp dụng công nghệ động lực phân tán vì có nhiều ưu điểm trong giảm bớt chi phí hạ tầng, phù hợp xu hướng các nước trên thế giới.

Tại cuộc làm việc, một số chuyên gia đề nghị làm rõ hiệu quả đầu tư của dự án. TS Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật cầu đường, nhận định, đây là siêu dự án được nghiên cứu triển khai trong khi Nhà nước còn nhiều dự án khác như đường cao tốc phía Đông, phát triển hàng không. Vì vậy cần có dự báo vận tải để đưa ra đề xuất phù hợp. Việc chia các đoạn Vinh đến Nha Trang là quá lớn, nên có sự chia đoạn nhỏ hơn sẽ hợp lý trong phân kỳ đầu tư.

“Việc đề xuất phương án tốc độ cần phân tích kỹ, lưu ý dù phương án nào thì việc đầu tư hạ tầng cũng cần theo tiêu chuẩn 350 km/h”, ông Long nói..

Tàu tốc độ cao được đề xuất sử dụng công nghệ giống Nhật Bản. Ảnh: Đ.L 

Ông Vũ Hoài Nam, Trưởng bộ môn đường sắt đô thị giao thông, ĐH Xây dựng, cho rằng, dự án cần lượng vốn rất lớn nên cần phân tích rủi ro, trong khi đây là vấn đề mà tư vấn chưa đề cập.

“Nếu không phân tích kỹ khả năng hoàn vốn, giải phóng mặt bằng, tỷ giá thì rủi ro rất lớn. Ngoài ra, phát triển đường sắt cao tốc thì thị phần hàng không ảnh hưởng, dẫn đến áp lực chung với nền kinh tế”, ông Nam nói.

Theo chuyên gia Nguyễn Trọng Bách, trước kia dự án đường sắt cao tốc có nhiều điểm chưa được làm rõ, đơn cử như hiệu quả đầu tư nên Quốc hội đã bác bỏ. “Các vấn đề liên quan cần được giải đáp trong đợt này”, ông Bách nói.

Đoàn Loan

Tags: