Đường sắt Cát Linh – Hà Đông vận hành thế nào nếu mất điện đột ngột?

Theo kế hoạch cuối năm nay Bộ GTVT sẽ bàn giao tuyến metro Cát Linh – Hà Đông cho Hà Nội vận hành thương mại.
Hệ thống tuyến đường sắt đô thị này tàu chạy bằng điện, do đó nguồn cung cấp điện được xem là cực kỳ quan trọng, nhất là bối cảnh nguồn điện còn thiếu hụt, chưa ổn định như hiện nay.

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông vận hành thế nào nếu mất điện đột ngột?

Đại diện Ban quản lý Dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, tàu sử dụng cho tuyến metro có 2 đường cấp điện độc lập và dự phòng lẫn nhau. Trường hợp một trong hai đường điện bị ngắt, đường điện còn lại sẽ tự động cung cấp liên tục cho đoàn tàu.
Tuy nhiên xác suất mất điện cả 2 đường dây cùng lúc là rất thấp. Mặc dù vậy, nếu khi tàu đang chạy cùng lúc cả hai đường điện cùng ngắt, tàu sẽ tự động dừng lại.
Khi tàu dừng lại, tàu sẽ tự động kích hoạt hệ thống hãm khẩn cấp (sử dụng hãm khí nén). Lúc đó, nguồn điện dự phòng khẩn cấp (ắc quy) sẽ được bật để đảm bảo hoạt động trong khoảng thời gian từ 30 – 45 phút của hệ thống: Điều khiển, tín hiệu bảo vệ, thông gió, chiếu sáng, đóng mở cửa…khoảng thời gian này đủ để các đơn vị liên quan tổ chức cứu hộ, sơ tán hành khách, kéo tàu đến điểm đỗ gần nhất.
Với metro Cát Linh – Hà Đông, hệ thống cấp điện sức kéo cho tàu được thiết kế nối từ trạm sẽ cấp điện cực dương trực tiếp lên ray tiếp xúc chạy song song bên cạnh đường tàu chạy.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, giá vé tàu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sẽ do UBND TP Hà Nội phê duyệt. Tuy nhiên do được Nhà nước trợ giá nên sẽ không quá cao so với xe buýt.
“Theo khảo sát, đa phần người dân có thể chấp nhận đi tuyến này dù giá vé lượt cao hơn buýt thông thường từ 35 – 37%. Tuy nhiên, đa phần mọi người thích sử dụng vé tháng hơn và chấp nhận cao hơn 10 – 15% xe buýt”, ông Trường chia sẻ.
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông vận hành thế nào nếu mất điện đột ngột?
Giá vé đi tàu sẽ được Nhà nước trợ giá và chỉ cao hơn vé xe buýt từ 35-37%.
Tuyến tàu điện trên cao đầu tiên ở Hà Nội có tốc độ 35 km/h, sức chứa khoảng 1.000 khách. Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đi trên cao dài 13 km, điểm đầu tại ga Cát Linh (quận Đống Đa), điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) đang trong giai đoạn chạy thử; dự kiến vận hành thương mại 6 tháng tới.
Trong số 13 đoàn tàu của dự án, quá trình vận hành sẽ sử dụng 10 đoàn tàu, 2 đoàn bảo dưỡng, một đoàn dự phòng.
Tàu sẽ dừng tại mỗi ga để hành khách lên xuống khoảng 30 giây. Tần suất chạy tàu 6-7 phút mỗi chuyến, giờ cao điểm có thể giảm xuống 2-3 phút mỗi chuyến. Các toa tàu đều được trang bị hệ thống radio hai chiều, cho phép hành khách có thể liên lạc trực tiếp với nhân viên điều khiến trong tình huống khẩn cấp.
Lịch chạy tàu được bố trí vận hành xuyên suốt và ổn định vào tất cả các ngày trong năm, không bị ảnh hưởng với thời tiết hay môi trường.

Được kết nối với các phương tiện khác

Dọc hành lang tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông trên QL 6 có 34 tuyến xe buýt đang hoạt động, chiếm 30% số lượng tuyến của toàn mạng lưới xe buýt Hà Nội.
Các tuyến buýt có lộ trình hoạt động chủ yếu trên trục QL 6, đoạn Ngã Tư Sở – Yên Nghĩa có 6 tuyến trục (01, 02, 19, 21A, 21B, 27) hoạt động trùng với lộ trình tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông; 10 tuyến có lộ trình hoạt động cắt ngang quốc lộ 6 (05, 22, 29, 33, 37, 39, 57, 60A, 60B, 62). Ngoài ra còn có nhiều tuyến buýt cắt ngang trùng từ một đến 3 ga với tuyến đường sắt.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông cũng được kết nối với các tuyến buýt hướng ra ngoại thành theo các trục quốc lộ 6, quốc lộ 21B (như tuyến 72 Bến xe Yên Nghĩa – Xuân Mai, tuyến 37 Bến xe Giáp Bát – Chương Mỹ, tuyến 57 bến xe Nam Thăng Long – KCN Phú Nghĩa)…
Sau khi đường sắt đô thị đi vào hoạt động, các tuyến buýt trùng sẽ được giảm và điều chỉnh để gom khách cho tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Việc kết nối theo nguyên tắc xe buýt sẽ cung cấp và giải toả tối đa hành khách của tuyến đường sắt đô thị tại các nhà ga. Tất cả các nhà ga đường sắt đều có kết nối với hệ thống xe buýt thành phố.
Tags: