Cơ Hội Phát Triển Cho Ngành Vận Tải Đường Sắt Việt Nam

Cơ Hội Phát Triển Cho Ngành Vận Tải Đường Sắt Việt Nam, gửi hàng bằng tầu hỏa .v.v. (VOH) – Hệ thống đường sắt nước ta qua hơn 100 năm đã thực sự trở thành tài sản lớn của quốc gia, phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân và vận chuyển hàng hóa trên khắp cả nước. Tuy nhiên cho đến nay, hệ thống giao thông đường sắt đã bộc lộ nhiều hạn chế. (Phóng sự của Quỳnh Anh)
Đường sắt Việt Nam là một trong những ngành công nghiệp lâu đời ở nước ta. Ra đời từ năm 1881, hơn 100 năm qua, đường sắt đã trở thành một loại hình giao thông quan trọng trong hệ thống giao thông của đất nước. Tuy nhiên, cho đến nay đã không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển trong xã hội hiện đại. Do đó, dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) sắp được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 tới đây đang được kỳ vọng là sẽ khắc phục những hạn chế, tạo ra bước đột phá giúp đường sắt Việt Nam phát triển.
Đến nay, hệ thống giao thông đường sắt nước ta đã bộc lộ nhiều hạn chế trong vận chuyển hành khách. (Ảnh minh họa: ANTĐ)
Hệ thống đường sắt nước ta qua hơn 100 năm đã thực sự trở thành tài sản lớn của quốc gia, phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân và vận chuyển hàng hóa trên khắp cả nước. Tuy nhiên cho đến nay, hệ thống giao thông đường sắt đã bộc lộ nhiều hạn chế. Khó khăn lớn nhất của ngành đường sắt hiện nay là chưa có đường sắt đôi, phần lớn vẫn là đường đơn khổ 1m dẫn đến năng lực chuyên chở thấp.
Ông Vũ Xuân Hồng – nguyên Cục trưởng Cục Đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng: “Đường sắt được nhà nước ta dành nhiều sự quan tâm, thế nhưng cũng chưa đáp ứng được tầm phát triển và chưa theo kịp công nghệ thế giới. Chúng ta vẫn chạy trên đường tàu cũ mà người Pháp xây dựng cách đây hàng trăm năm. Có chăng là chúng ta thay được thanh ray, thanh tà vẹt, chứ còn cơ bản là vẫn đi trên nền cũ. Một công nghệ cách đây hàng trăm năm mà cạnh tranh trong điều kiện thị trường mở hiện nay là một khó khăn. Chúng ta vẫn đi trên đường đơn, đi và về cùng một đường cả”.
Theo báo cáo cục Cục Đường sắt, lúc cao điểm, đường sắt đã từng chiếm đến gần 30% trong tổng lượng luân chuyển hành khách của ngành giao thông vận tải, nhưng hiện tại chỉ đạt 3.5%. Thực chất, đường sắt không cạnh tranh được với các phương tiện chuyên chở khác như ô tô, máy bay,… Nguyên nhân tụt hậu là do từ lâu, hạ tầng đường sắt không được đầu tư lớn, tốc độ tàu chạy chậm dẫn đến giảm lượng hành khách.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hiển – Trưởng Khoa Công trình giao thông, trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM đánh giá: “Trong mấy chục năm qua, hệ thống đường sắt của chúng ta không có nhiều thay đổi, có thể nói là một chiếc áo đã quá chật. Đối với nước ta có đặc điểm địa hình là trải dài và hẹp, mật độ dân cư tương đối cao, đặc biệt các đô thị lại tập trung sát vùng biển, do vậy nhu cầu có một tuyến đường sắt hiện đại chạy dọc từ Bắc vào Nam là hết sức cần thiết”.
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành đường sắt, đó là hệ thống pháp luật điều chỉnh các hoạt động liên quan đến lĩnh vực này. Năm 2005, Luật Đường sắt được ban hành, lần đầu tiên lĩnh vực đường sắt Việt Nam có Luật để điều chỉnh toàn diện mọi hoạt động. Tuy nhiên, qua thực tế thi hành Luật đã bộc lộ một số những tồn tại bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động. Từ năm 2006 đến nay, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 2013 và 14 luật, pháp lệnh, trong đó có những quy định liên quan đến một số nội dung trong Luật Đường sắt 2005.
Vì vậy, cần thiết phải điều chỉnh một số nội dung đã quy định của Luật Đường sắt 2005 để phù hợp với nội dung Hiến pháp 2013 và các luật, pháp lệnh mới ban hành. Ngoài ra, một số quy định của Luật quá chi tiết, cụ thể mang tính kỹ thuật chuyên ngành thuần túy, cần được chỉnh sửa chuyển thành các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật để phù hợp với thực tiễn và linh hoạt trong quá trình thực thi. Một số nội dung cũng chưa được quy định trong Luật Đường sắt 2005, cần phải bổ sung phù hợp với thực tiễn như: Ưu đãi trong hoạt động đường sắt; quy định nội dung công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường sắt; quản lý Nhà nước đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư; quy định về tải trọng, công lệnh tải trọng, công lệnh tốc độ; quy định niên hạn sử dụng đối với phương tiện giao thông đường sắt; đường sắt tốc độ cao…
Từ những bất cập trên cho thấy, việc sửa đổi luật là vô cùng cấp thiết, nhằm khắc phục những bất cập hiện hành, nâng cao tính cạnh tranh của ngành. Ông Nguyễn Ngọc Đông – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận: “Phải nói rằng, Luật Đường sắt 2005 ban hành là một cơ sở pháp lý hết sức quan trọng. Tuy nhiên sau hơn 10 năm thực hiện thì luật đã bộc lộ một số vấn đề của nó. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có hoạt động của doanh nghiệp, hoạt động quản lý nhà nước. Tuy nhiên chúng tôi cho quan trọng nhất vẫn là yếu tố thị trường chưa được mạnh mẽ lắm, và chính vì vậy mà cần xem xét để sửa đổi Luật Đường sắt. Vấn đề quản lý, đầu tư trong lĩnh vực đường sắt cũng còn hạn chế. Quản lý, khai thác hạ tầng còn bất cập. Đó là những vấn đề lớn trong luật cũ đang được xem xét để điều chỉnh trong luật mới này”.
Ở Việt Nam, tăng trưởng năng suất trong ngành vận tải đường sắt là thấp nhất trong số các loại hình vận tải. (Ảnh minh họa: NCĐT)
Vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải soạn thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), sau đó thực hiện lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia trong nước và quốc tế nhằm hoàn thiện dự thảo Luật và dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14 tới đây. Theo đó, dự thảo gồm 9 chương, 95 điều. Với quan điểm xây dựng luật theo định hướng phát triển của ngành, theo cơ chế thị trường, xã hội hóa, dự thảo luật đã bổ sung các chính sách ưu đãi cho hoạt động đường sắt; tách bạch rõ giữa chức năng quản lý Nhà nước về kết cấu hạ tầng đường sắt với chức năng kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và chức năng kinh doanh vận tải của doanh nghiệp. Từ đó tạo lập cơ hội, môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư, khai thác, kinh doanh đường sắt, thúc đẩy lĩnh vực này phát triển nhanh và hội nhập quốc tế.
Về vấn đề này, ông Vũ Xuân Hồng – nguyên Cục trưởng Cục Đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất: “Về nội dung kiến nghị chính, tôi nghĩ rằng nhà nước phải có quy hoạch phát triển; thứ hai là tạo vốn cho sự phát triển đó; thứ ba là phải phân định rõ trách nhiệm quản lý của nhà nước đến đâu, hoạt động của doanh nghiệp thế nào. Và những doanh nghiệp kinh doanh về lĩnh vực kết cấu hạ tầng đường sắt thì phải bổ sung yêu cầu là doanh nghiệp có điều kiện, vì đây là tài sản của nhà nước và hiện nay chúng ta đang cổ phần hóa thì vấn đề này được xác định như thế nào?”.
Ngoài ra, việc đưa đường sắt tốc độ cao vào dự thảo luật lần này cũng là một điểm đáng chú ý. Đây là bước chuẩn bị tiền đề, tạo hành lang pháp lý quan trọng làm cơ sở để sau này quá trình đầu tư, quản lý, khai thác thuận lợi. Bà Trần Thị Quốc Khánh – Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nêu ý kiến: “Tôi cho rằng, Luật Đường sắt sửa đổi lần này bao gồm cả đường sắt trên cao và cao tốc là hoàn toàn chính xác, cần thiết cho tình hình hiện nay. Bởi vì chúng ta đã và đang triển khai thực hiện nhưng vẫn chưa có luật, chưa có cơ sở pháp lý để làm. Nhưng với yêu cầu phát triển của đất nước thì chúng ta vẫn phải triển khai. Đưa vào luật nội dung này là để chúng ta quản lý”.
Bên cạnh những quy định chung, ban soạn thảo cũng đề xuất những quy định cụ thể kết cấu hạ tầng, phương tiện, nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, tín hiệu, quy tắc giao thông và bảo đảm an ninh trật tự … nhằm khắc phục những bất cập của luật hiện hành. Có thể nói, việc ban hành Luật Đường sắt (sửa đổi) là vô cùng cần thiết trong giai đoạn sắp tới, nhằm đảm bảo phù hợp với Hiến pháp 2013, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển giao thông vận tải đường sắt. Luật ra đời sẽ tạo ra diện mạo mới, mở ra cơ hội nâng tầm chất lượng đường sắt Việt Nam theo hướng hiện đại, hiệu quả, từng bước phục hồi thị phần trong nước, hướng tới phát triển xứng tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới.
VOH Online
Tags: